“Cuộc sống du học không dễ dàng và cùng không phải lúc nào cũng màu hồng. Nhưng đây là trải nghiệm và rèn luyện xứng đáng để bản thân trưởng thành và mạnh mẽ hơn”
Du học là ước mơ của nhiều bạn trẻ mong muốn vươn ra thế giới. Vậy liệu cuộc sống du học chỉ xoay quanh môi trường học tập quốc tế, những chuyến du lịch “xịn mịn” hay sở hữu những món mà trước đây phải mua hàng “xách tay” mới có? Hãy cùng DC tìm hiểu những mẩu chuyện du học của du học sinh Việt trên thế giới nhé!
Đi du học là học cách tự lo và chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình
Nhận được học bổng tại một trường đại học thuộc bang Texas, Mỹ, Hoàng Thị Hồng đã rất hào hứng với chặng đường du học phía trước. Là một học sinh giỏi và năng động những năm cấp 3, Hồng đã khá tự tin rằng mình có thể tự chăm lo cho cuộc sống xa nhà.
“Khi đi học, mình mới nhận ra rằng mình đã được gia đình hỗ trợ nhiều thế nào. Từ những thứ như đăng ký thẻ ngân hàng, sim điện thoại cho đến thuê nhà, chuyển đồ,… mình đều phải tự tìm hiểu và bắt đầu lại từ đầu. Nhìn các bạn học có gia đình hỗ trợ chuyển đồ vào ký túc xá, mình thấy tủi thân kinh khủng,” Hồng chia sẻ.
Hồng nhớ lại, hồi mới sang, vì vô tình vượt giới hạn tốc độ lái xe mà cảnh sát đã bật còi yêu cầu dừng xe, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên một lúc lâu cô bạn mới dừng lại. “Mình đã nhận một ticket rất nặng và phải liên hệ với luật sư để không bị lưu hồ sơ. Quả thật lúc đó mình rất hoảng mà chẳng thể gọi điện để nhờ bố mẹ hỗ trợ, và mình nhận ra rằng mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc sống ở đây.”
Cơ hội đến với những người cố gắng
Học tập trong môi trường quốc tế, các du học sinh cũng có nhiều cơ hội được giao lưu và tiếp cận với những cơ hội giao lưu, làm việc từ những “người khổng lồ” của nền kinh tế hay nghiên cứu cùng những chuyên gia hàng đầu.
Với điểm số hoàn hảo (4.0/4.0), Phạm Nhật Minh (Seattle, Mỹ) được giáo sư nhận làm trợ giảng của khoa Toán và Khoa học máy tính của trường. Với sự thông minh, chăm chỉ và đam mê nghiên cứu, Minh đã kết nối được với nhiều giảng viên trong trường và tham gia vào các dự án nghiên cứu khi vẫn còn là sinh viên năm 3 đại học.
Trong thời gian về nước nghỉ hè, Minh đã tranh thủ gặp gỡ các du học sinh cùng ngành khác để mở rộng mạng lưới và kết nối với những “mentor” (người dẫn dắt) hiện đã đi làm tại các công ty công nghệ lớn ở Silicon Valley. Nhờ sự chỉ dẫn từ đàn anh đi trước và công sức tự nâng cao kỹ năng coding, Minh đã vượt qua hàng ngàn ứng viên để nhận được lời mời làm việc tại Facebook và Google ngay sau khi tốt nghiệp.
“Mình nghĩ rằng cơ hội luôn đến với những người cố gắng và chủ động tìm kiếm. Điều kiện học tập tại nước ngoài có nhiều tài nguyên, và chính bạn là người quyết định có tận dụng được hết những tài nguyên đó không,” Minh nhấn mạnh.
Thấm thía những khó khăn để trưởng thành
Nguyễn Minh Huyền, du học sinh tại tỉnh Oita, Nhật Bản chia sẻ: “Mình nghe rất nhiều người đi trước nói rằng du học chẳng sướng đâu, nhưng mình vẫn để ngoài tai thôi. Và chỉ khi trải qua cảm giác ăn Tết trong ký túc xá vắng tanh, ốm đau vẫn phải dậy đi chợ hay thấy bế tắc vì sợ mất học bổng thì mình mới thật sự thấm thía.”
Bên cạnh việc học, nhiều du học sinh cũng chọn cách đi làm thêm để trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, cân bằng giữa việc học và đi làm không phải là một việc dễ dàng, nhất là khi các bạn còn phải đối mặt với nhiều bất lợi vì mình là người ngoại quốc.
Huyền kể: “Bạn mình đi làm thêm ở tiệm ăn vất vả lắm. Vì là người nước ngoài nên nhiều khi bị các nhân viên khác bắt nạt, kể xấu với sếp hoặc hùa vào để bắt làm ca đêm. Có lần, bạn ấy còn nghe nói sau lưng ‘Người Việt qua đây chỉ chật đất,’ nhưng cũng chỉ biết lầm lũi mà làm việc tiếp thôi.”
Với những áp lực học tập và lo lắng trong cuộc sống, không phải du học sinh nào cũng trụ lại để hoàn thành nốt kế hoạch học tập của mình. Nhiều bạn đã quyết định tạm dừng kì học hoặc chuyển về Việt Nam sau 1 đến 2 kỳ học. Phương My chia sẻ rằng chính một người bạn thân của mình đã phải nghỉ giữa chừng để điều trị trầm cảm gần một năm và tiếp tục học đại học trong nước.
“Đi du học đúng là ‘khổ’ thật vì ngoài thời gian học, bọn mình còn phải thích ứng với nền văn hóa hoàn toàn khác và đối mặt với những vấn đề như phân biệt, rào cản ngôn ngữ. Nhưng bên cạnh những chuyện không vui, mình cũng may mắn gặp được rất nhiều người tốt giúp đỡ mình. Chẳng hạn như ông bà chủ nhà hay tặng mình đồ ăn, hay như giáo sư luôn hỏi han và giới thiệu mình với những cơ hội mới,” Minh cho biết.
“Đi du học là để trải nghiệm và trưởng thành. Chính những khó khăn mình đã gặp phải và vượt qua giúp làm nên con người mình hôm nay. Vì thế, mình muốn gửi đến những ai đang có ý định du học rằng hãy thực tế và chuẩn bị vững tinh thần. Chắc chắn các bạn sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống du học, nhưng những thử thách này sẽ xứng đáng và khiến bạn mạnh mẽ hơn,” My nhắn nhủ.